(Bài viết này dành tặng những người đang muốn bắt đầu công việc kinh doanh/lập nghiệp/khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh)
“Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”
Lời dạy này luôn đúng trong mọi trường hợp và đặc biệt là trong kinh doanh.
Trong kinh doanh, nếu bạn không có mục tiêu, kế hoạch thì mọi thứ sẽ rối bời, vất vả, bạn sẽ mãi loay hoay trong đam mê và tâm huyết mong muốn phục vụ khách hàng của mình.
“Làm sao để biết mình có phù hợp với kinh doanh không?” là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.
Trước khi bắt tay vào khởi sự kinh doanh, biến ý tưởng thành hiện hiện hãy trung thực với bản thân mình và trung thực với ý tưởng kinh doanh bạn đang vẽ ra trong đầu. Và 8 câu hỏi gợi ý bên dưới đây sẽ giúp bạn đánh giá lại ý tưởng kinh doanh, đam mê kinh doanh trước khi bắt tay vào hành động
Câu hỏi 1: Bạn muốn bán sản phẩm hay dịch vụ gì cho khách hàng?
Tưởng chừng rất đơn giản, nhưng vô cùng khó đấy nhé, không phải lúc nào bạn cũng trả lời chính xác câu hỏi này. Với xu hướng kinh doanh ngày nay là “ Bán cái khách hàng cần, chứ không bán cái mình có”, để trả lời cho câu hỏi trên bạn cần phải đặt suy nghĩ mình vào tâm trí khách hàng, khách hàng thực sự cần gì ?
Câu hỏi 2: Thị trường của bạn ở đâu và độ lớn thị trường như thế nào ?
Bạn cần phải xác định chính xác là bạn sẽ bán sản phẩm, dịch vụ đó ở đâu ? Quảng Nam, Đà Nẵng, miền trung hay cả Việt Nam…! Và bạn có chắc chắn những thị trường bạn chọn ra đó đang có khách hàng chờ bạn.
Câu hỏi 3: Phân khúc khách hàng bạn nhắm tới ?
Để trả lời câu hỏi này, bạn cần phải mô tả chính xác chân dung khách hàng mà bạn đang nhắm tới: Tên, tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, thu nhập, họ sống ở đâu, họ thích gì, giả định họ chi bao nhiêu tiền cho sản phẩm dịch vụ của bạn, và sau khi mô tả xong, hãy bước xuống đường và hỏi từng người bạn gặp về sản phẩm, dịch vụ của bạn. Khách hàng sẽ cho bạn biết chính xác bạn cần phải làm gì để chinh phục trái tim của họ
Câu hỏi 4: Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai? tìm đối thủ cận trên và cận dưới xem họ đang làm gì?
Hiểu biết về đối thủ cạnh tranh là hết sức cần thiết, bạn cần phải tìm hiểu xem đối thủ đang kinh doanh như thế nào, bán sản phẩm gì, mẫu mã ra sao, khách hàng của họ như thế nào (niềm tin của khách hàng vào thương hiệu), họ bán giá như thế nào, có áp dụng các chương trình khuyến mãi gì, nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài chính) của họ như thế nào?
Bạn cần phải nắm những thông tin trên để có những kế sách kinh doanh cho phù hợp, nếu không bạn sẽ bị thua ngay trên thương trường khi cuộc chơi chưa bắt đầu?
Vd: Để tung một sản phẩm, dịch vụ trong ngày khai trương, bạn áp dụng chiến lược giảm giá, chiết khấu….nhưng bạn không biết được đối thủ của bạn tại khu vực đó đang bán với giá bao nhiêu thì làm sao bạn có thể kéo khách về phía bạn.
Câu hỏi 5: Lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ bạn là gì ?
Đây chính là điểm mấu chốt để biết bạn có thành công trên thị trường hay không, nếu bạn bán một sản phẩm mà không có gì khác so với cả ngàn người đang bán ngoài kia thì bạn chết chắc. Vậy, lợi thế cạnh tranh của bạn là gì? Bạn có điểm khách biệt về sản phẩm, dịch vụ, điểm khác biệt về mô hình kinh doanh,…
Vd: Sản phẩm bạn bán có những tính năng ưu việt mà các sản phẩm cùng phân khúc không có. Hoặc mô hình kinh doanh của bạn thực sự khác biệt so với những người khác ở khâu chăm sóc khách hàng, tư vấn tận tâm, ship hàng miễn phí, bảo hành trọn đời, cam kết đổi trả không tốn phí…
Câu hỏi 6: Bạn đã dự trù tài chính để khởi sự kinh doanh hay chưa?
Muốn khởi sự kinh doanh, câu hỏi muôn thuở đầu tiên luôn là “Tiền đâu”. Ý tưởng dù có hay đến đâu mà không có tiền triển khai thực hiện thì cũng bỏ. Vậy tiền ở đâu? Trước hết phải là tiền từ khoản tiền tiết kiệm và dành dụm được trong những tháng năm đi làm (lưu ý một điều, rất nhiều người gom hết tiền nhà đem vào kinh doanh, chúng ta không nên làm như vậy, vì kinh doanh có độ rủi ro, nên chúng ta chỉ sử dụng một khoản tiền nào đấy để thực hiện đam mê này thôi..), sau đó chúng ta có thể mượn thêm ở gia đình, bạn bè, người thân, …tiếp theo nữa có thể vay ngân hàng, các gói hỗ trợ cho khởi nghiệp, rồi kế đến sẽ kêu gọi các quỹ đầu tư thiên thần và mạo hiểm cùng tham gia với chúng ta.
Chúng ta cần phải có kế hoạch tiếp cận từng nguồn tài chính cho phù hợp và tương ứng với mỗi lộ trình phát triển của doanh nghiệp, các bạn cần phải chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, mô hình kinh doanh cụ thể nếu muốn vay ngân hàng hoặc các nhà đầu tư tham gia.
Câu hỏi 7: Bạn đã trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để bắt đầu kinh doanh chưa?
Bạn đã chuẩn bị được những kiến thức, kỹ năng và công cụ gì cho chặng đường sắp tới hay chưa, bởi vì những kiến thức kỹ năng này sẽ không giống như công việc ngày làm 8h trước đây bạn làm, nhóm kỹ năng dưới đây sẽ là gợi ý cho bạn:
– Kỹ năng bán hàng
– Kỹ năng trình bày ý tưởng
– Kỹ năng lập kế hoạch
– Kỹ năng giao tiếp và đàm phán
– Kỹ năng sử dụng công cụ để triển khai ý tưởng ( mircrosoft office, google drive, email, blog, website, facebook, fanpage, một số công cụ online khác như: họp qua zoom., Skype, …..)
Câu hỏi 8: Bạn đã thực sự sẵn sàng?
Bạn có dám bước ra khỏi vòng an toàn của mình và lao vào thương trường một cách quyết liệt. Bạn có dám bỏ công việc làm công ăn lương (ngày 8h) để sẵn sàng làm không lương với ngày có thể từ 12h-16h.
Bạn sẽ không nhận được đồng lương nào trong vòng 6 tháng đến 1 năm đầu tiên, có dám chấp nhận?
Bạn có dám làm rất nhiều việc một lúc từ lên ý tưởng, thiết kế sản phẩm, marketing, rao bán sản phẩm, viết bài quảng cáo, lau dọn nơi làm, đọc thêm sách, học thêm kỹ năng,…
Bạn có chấp nhận được nhiều tháng tiếp theo sẽ không có mua sắm, không đi du lịch, không có hội họp bạn bè, …
Bạn có sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ vì đam mê kinh doanh?
Nguyễn Bão Quốc
(Chuyên gia đào tạo bán hàng và tư vấn xây dựng hệ thống quy trình doanh nghiệp)
Founder kênh Youtube: BQ Academy Channel
P/s: Link báo Quảng Nam online:
http://baoquangnam.vn/khoi-nghiep/lam-sao-biet-ban-co-phu-hop-voi-kinh-doanh-92764.html
Bài chia sẻ hay. Xin phép chia sẻ.