- Cố vấn khởi nghiệp, họ là ai?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về người cố vấn khởi nghiệp từ các chuyên gia và các tổ chức quốc tế. Nhưng với tôi, sau hơn 5 năm trong vai trò người được cố vấn (mentee) và 3 năm trong vai trò là người cố vấn khởi nghiệp (mentor), theo tôi cố vấn khởi nghiệp là những người có hoặc không có chuyên môn khởi nghiệp, kinh doanh hay làm doanh nghiệp. Điều quan trọng là người cố vấn (mentor) phải là người có đủ tâm và tầm, sẵn sàn cho đi và chia sẻ để dẫn dắt các dự án khởi nghiệp, dẫn dắt những nhà sáng lập, đồng sáng lập.
Rất nhiều người quan tâm đến vấn đề: Nếu cố vấn khởi nghiệp mà không có chuyên môn thì có làm được không?
Có một điều, mối quan hệ mentoring là hành trình dài xây dựng niềm tin, một hành trình gắn kết mà ở đó không chỉ có sự cho và nhận. Mà nó còn là sự lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu…Đôi khi, người mentor chỉ đóng vai trò là “người cố vấn tinh thần” cho một nhà sáng lập hoặc một dự án nào đó. Đơn cử: Một trong những người cố vấn của Steve Jobs là Thiền sư Kobun Chino Otogowa (Nhật bản) và mối quan hệ này kéo dài tận 20 năm (cho đến khi thiền sư Otogowa qua đời).
Bạn có chuyên môn, bạn có thể chia sẻ nó cho người được cố vấn (mentee) những lời khuyên (với điều kiện mentee muốn nhận nó), nhưng nếu bạn không có chuyên môn thì bạn có sự trải nghiệm, bạn có khả năng lắng nghe, thấu hiểu hoặc bạn có thể kết nối với những người có thể giúp mentee của mình.
Với hơn 3 năm trong vai trò của một Mentor tôi thấy đôi khi chuyên môn chưa phải là điều quan trọng nhất trong hành trình mentoring, có những dự án tôi hoàn toàn không có chút kiến thức, kinh nghiệm hoặc trải nghiệm nào. Với tôi, tôi hay tập trung vào phát triển con người, giúp mentee tìm thấy chính bản thân họ trong công việc, cuộc sống và giúp họ có thêm nhiều góc nhìn đa chiều hơn để họ có thể ra quyết định tốt hơn.
Hình ảnh: Buổi giao lưu chia sẻ với các học viên khóa cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng.
- Vì sao cố vấn khởi nghiệp là thành phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.
Theo kinh nghiệm của tôi, người cố vấn khởi nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng khởi nghiệp, cụ thể:
- Họ có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm khởi nghiệp, những bài học thất bại và thành công, giúp cho người khởi nghiệp có thêm niềm tin, động lực, tinh thần khởi nghiệp
- Họ mang đến cơ hội kinh doanh, giúp người khởi nghiệp có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng
- Người khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận mạng lưới kinh doanh, mạng lưới cố vấn để có thể lắng nghe, học hỏi thêm những điều khác
- Người khởi nghiệp được đào tạo kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, được truyền cảm hứng từ người cố vấn của mình.
- Người cố vấn với sự đồng cảm, thấu hiểu và nhiều trải nghiệm sẽ cho người mentee nhiều góc nhìn đa chiều, giúp mentee có khả năng ra quyết định tốt hơn
- Và một phần nhỏ: đôi khi mentor cũng trở thành những nhà đầu tư giai đoạn ban đầu cho người khởi nghiệp (một khoảng đầu tư nhỏ giúp cho các dự án khởi nghiệp có thêm động lực).
- Người cố vấn khởi nghiệp (mentor) họ làm gì?
Mentoring là hành trình tự nguyện giữa người cố vấn (Mentor) và người được cố vấn (mentee), hành trình mentoring thường kéo dài, có chương trình thì 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc nhiều hơn nữa: 5 năm, 10 năm…
Trong suốt hành trình dài này, người cố vấn dùng kỹ thuật đặc câu hỏi, dùng cách kể chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của họ để giúp cho người được cố vấn thấu hiểu bản thân, nâng cao kỹ năng lãnh đạo và năng lực giải quyết vấn đề, ra quyết định.
Trên thực tế, người mentor sẽ phải đóng nhiều vai trò khác nhau trong suốt hành trình mentoring diễn ra, tùy theo mức độ phát triển của người mentee hoặc dự án khởi nghiệp
Đôi khi, người mentor sẽ trong vai trò của người trainer (nhà đào tạo): giúp cho mentee nhiều kiến thức chuyên môn, chuyên ngành. Đôi khi mentor lại hóa thân trong vai trò là người huấn luyện viên, với những kỹ năng đặt câu hỏi giúp mentee tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hành trình khởi nghiệp. Và cũng có khi mentor lại trở về với vai trò là người truyền động lực, truyền cảm hứng cho mentee những lúc họ nản lòng, nhụt chí….
Hành trình Mentoring chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi và chỉ khi được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự lắng nghe, chia sẻ thật lòng. Mối quan hệ 2 chiều này muốn bền vững thì cả mentor và mentee đều phải nhận được giá trị từ hành trình mentoring này. Sẽ không bền vững khi nghĩ rằng mentoring là mối quan hệ giữa bên cho (mentor) và bên nhận (mentee).
Hình ảnh: Cố vấn cho dự án khởi nghiệp Ecosoi – dự án đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2021.
- Ai có thể làm cố vấn khởi nghiệp.
Lý tưởng nhất để trở thành người cố vấn khởi nghiệp vẫn là những doanh nhân thành công, giàu kinh nghiệm và nhiều trải nghiệm. Họ không nhất thiết phải có những thành tựu kinh doanh đồ sộ, những kinh nghiệm thương trường, những va chạm thực tế trong công việc kinh doanh, khởi nghiệp, những mối quan hệ làm ăn, mạng lưới kết nối kinh doanh…là những nguồn tài nguyên cực kỳ quý báu đối với những người mới bước chân vào con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.
Động lực nào để những doanh nhân này trở thành người cố vấn khởi nghiệp.
Mặc dù công việc kinh doanh bận rộn, họ còn phải thu xếp thời gian cho gia đình, đối tác, bạn bè, nhưng họ cũng là con người, họ cũng có những nhu cầu như được yêu thương, được tôn trọng, được cho đi và sống có trách nhiệm xã hội. Họ mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm của mình để giúp người khác tránh đi những thất bại không đáng có, tiết kiệm được nguồn lực, thời gian và sớm chạm tới mục tiêu kinh doanh thành công.
Nguyễn Bão Quốc
Leave a Reply