BÀI HỌC THẤT BẠI KHI KHỞI NGHIỆP

“3 lần thất bại và những bài học đáng nhớ”

“Thất bại là mẹ thành công”

Dẫu biết câu dạy này luôn đúng, nhưng mấy ai đủ bản lĩnh và niềm tin để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường màu hồng cho bất kỳ ai.

Với tôi, 3 lần khởi nghiệp là nhiều bài học lớn trong cuộc đời để tôi mạnh mẽ hơn trong những bước đi của mình, mạnh mẽ hơn với những sóng gió phía trước

Lần 1: Vào cuối năm 2014, nhận thấy một thị trường ngách trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, nhóm chúng tôi gồm 3 con người chính (sau này đến 7 người) đã bàn và lập ra mô hình khởi nghiệp SO Group, SO group ra đời với sứ mệnh là một “trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho doanh nghiệp thời bấy giờ (Để nói sơ qua về ý nghĩa của SO, S là biểu tượng hình chữ S của Việt Nam, O được thiết kế cách điệu của trái đất, chúng tôi muốn một giấc mơ tầm cỡ mang VN ra thế giới). Ai cũng nhìn thấy một thực trạng ở những năm đó là, rất nhiều sinh viên ra trường hàng năm không có việc làm, trong khi ở doanh nghiệp thì lại không tuyển được người lao động. Nguyên nhân do đâu? Là câu hỏi rất lớn mà ai cũng bỏ trống, ngay cả nhà giáo dục và nhà tuyển dụng (Doanh nghiệp). Chúng tôi đã tìm hiểu và phát hiện một vấn đề khá lớn trong thời kỳ này là sinh viên chỉ được đào tạo về kiến thức ngành nghề theo chuẩn chung của chương trình giáo dục. Còn cái doanh nghiệp cần là những khả năng thực chiến và đáp ứng thực tế, cũng với những kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa (cái này thì sinh viên miền trung cực kỳ yếu). Thế là chúng tôi khởi nghiệp!

Chúng tôi lập ra các mô đun đào tạo chuyên sâu theo yêu cầu và đặt hành của doanh nghiệp, rồi làm việc với các trường, tổ chức hội thảo để tuyển dụng và rất nhiều lớp đào tạo miễn phí được ra đời. Mọi việc rất tốt đẹp cho đến 5 tháng sau, khi mọi nguồn lực về tài chính đã hết thì câu chuyện thu phí bắt đầu được đề cập. Và chúng tôi phải đóng của mô hình kinh doanh này 7 tháng. Lý do vì sao? Có rất nhiều lý do trong mô hình này:

Sự không đồng nhất về chiến lược phát triển của thành viên dự án, sự thiếu hụt về ngân sách, sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức kết nối và đặc biệt có một yếu tố khách quan có ảnh hưởng rất lớn đó là “chúng tôi chọn sai thị trường” tại thời điểm đó, bạn biết sinh viên miền trung rất khó khăn, nên việc bỏ ra vài trăm nghìn đi học một khóa học kỹ năng với họ là “không tưởng”.

Học viên trong khóa “Chinh phục nhà tuyển dụng”

Lần  2: Dự án xe đạp điện tự chế, vào năm 2016 khi đó thị trường đang có nhu cầu mua sắm xe đạp cho con đi học, cho phụ nữ lớn tuổi đi chợ…Nhưng thị trường lúc đó ngoài ông lớn Hkbike và vài thương hiệu từ Trung Quốc sang thì không có nhiều sự cạnh tranh, giá mỗi chiếc xe đạp điện lúc đó vào khoảng hơn 10 triệu, xe máy điện thì khoảng 13-16 triệu, với số tiền này thì chỉ có hộ gia đình khá giả, giàu mới mua được cho con, còn các gia đình ở quê thì con họ vẫn phải đạp xe đạp đi học thôi. Tôi trăn trở mãi về việc này.

Trong một lần đi du lịch ở Đài Loan, tôi có thấy một sáng chế của họ để làm xe buggy (xe điện chở được nhiều người) bằng động cơ điện và khung sườn tự chế để chở khách du lịch, thế là tôi tò mò và tìm hiểu suốt chuyến đi. Về Việt Nam, tôi tìm nhà cung cấp động cơ điện, các thiết bị phụ trợ và từ  đó chiếc xe 5 trong 1 của tôi ra đời. Năm trong một có nghĩa là 5 Quốc gia trong cái xe của tôi (động cơ điện tôi mua của Nhật, bộ phụ kiện chuyển đổi điện mua của Trung Quốc, xe đạp là hàng Việt Nam liên doanh, dây điện mua ở chợ trời, ốc vít các loại không rõ xuất xứ). Chiếc xe rất đẹp, tôi đã tặng cho mẹ chiếc đầu tiên do tôi “sáng tạo nên” điểm đặc biệt của xe là giá thành rất rẻ, toàn bộ chi phí chưa hết 5 triệu (đi được 60km với vận tốc 20km/h, chở được 2 người, trường hợp hết điện giữa đường thì đạp nhẹ như xe đạp bình thường). Dự án thứ 2 này tôi bán được 7-8 chiếc xe như vậy, nhưng sau một thời gian tôi dừng dự án vì 2 lý do lớn sau: một là vì xe được lắp nhiều phụ kiện tự chế nên không đảm bảo tính đồng bộ và khó khăn trong việc sửa chữa khi hư hỏng, hai là thị trường xe giá rẻ của Trung Quốc không rõ nguồn gốc tràn vào thị trường và ai cũng dễ dàng mua được chiếc xe từ 3-7 triệu. Và còn nhiều lý do nhỏ khác: Tôi làm xe này vì một sở thích và làm thêm vào buổi tối chứ chưa thực sự đam mê mãnh liệt, nên không đủ quyết tâm và mạnh dạn trong việc đầu tư thiết bị và nhân sự, cũng chính vì thái độ đó nên dẫn đến quyết định dừng dự án sớm.

Hình xe đạp điện tự chế 5 trong 1

Lần 3: Cũng là năm 2016, khi tôi đón công chúa đầu lòng đầu tiên, công việc của tôi là giám đốc kinh doanh khu vực miền trung của các thiết bị lớn như xe quét đường, máy hút ẩm, máy vệ sinh công nghiệp nên tôi phải đi công tác liên tục và nhiều ngày. Nói vui tí là giai đoạn đó tôi ở máy bay và ở khách sạn nhiều hơn ở nhà. Chính vì vậy mà tôi trân trọng những giây phút được về nhà cùng vợ và con. Mỗi đem đi ngủ như vậy tôi phải dậy nhiều lần để thay bỉm cho công chúa nhỏ và tôi cảm thấy rất mệt vì điều đó. Tôi tự hỏi, không có cái bỉm nào có khả năng thấm nước nhiều hơn sao. Nghĩ là làm, tôi dành cả ngày hôm sau đi khắp các siêu thị mẹ và bé để tìm, nhưng đáng thất vọng cho tôi là không có cái nào như thế cả. Thế là dự án “thế giới bỉm tả” ra đời. Tôi và một anh ở Đà Nẵng kết hợp cùng nhau trăn trở vấn đề này, chúng tôi may mắn được gặp một người anh, chủ cơ sở sản xuất cũng là một giám đốc tài năng về nghiên cứu sản phẩm và thật may cho chúng tôi khi anh có ý tưởng và đã làm thành công “cấy hạt nano vào bỉm” có khả năng thấm hút gấp nhiều lần bỉm thường. Trong những tháng tiếp theo, chúng tôi phân công nhiệm vụ, tôi và anh ở Đà Nẵng lo phần phát triển thị trường, anh giám đốc kia lo sản xuất, chúng tôi đã phát miễn phí 1000 cái bỉm cho các mẹ kèm phiếu khảo sát đánh giá. Trời ạ! Thị trường cực kỳ tiềm năng, tôi nói trong vui mừng… Chúng tôi đầu tư nhận diện thương hiêu, thiết kế website, tuyển dụng…và tiêu chí của chúng tôi “nơi đâu có thế giới di động thì nơi đó sẽ có thế giới bỉm tả”. Mạnh mẽ là thế, quyết tâm là thế nhưng vào một ngày đẹp trời, vì một vài lý do gì đó tôi cũng không rõ thì anh giám đốc làm chủ công nghệ sản xuất bỉm kia từ chối và rút khỏi dự án. Lúc đó, thật sự là một tin sốc với chúng tôi, bao công sức, tiền bạc bỏ ra…biết làm gì nữa. Thêm quá nhiều bài học nữa được rút ra, tôi thiết nghĩ mình còn quá non trong việc hợp tác, dùng người, nhận định cơ hội và xử lý rủi ro.

Và hậu quả là tôi phải làm công việc tôi vẫn làm hằng ngày thêm 3 năm nữa đến tháng 10 năm 2019 là lần khởi nghiệp thứ 4 của tôi đến nay, ơn giời đã 2 năm trôi qua, tôi vẫn sống, ước mơ trở thành đơn vị tư vấn và đào tạo giúp các doanh nghiệp mSMEs và SME của tôi dần được đông đảo cộng đồng đón nhận. Ông trời như cứ muốn thử thách tôi, vừa bắt đầu lại thì đã gặp ngay dịch Covid, mọi khó khăn chồng chất cứ thể đổ về, nhưng không vì thế mà tôi khuất phục, tôi vẫn lặng lẽ, âm thầm, kiên định với ước mơ của mình, mỗi ngày một chút thôi, tôi dạy sớm hơn, ngủ muộn hơn, đọc nhiều hơn, học bất chấp. Và bây giờ bạn đang đọc bài viết của tôi ở đây.

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

Trong 02 năm qua, tôi đã cho ra rất nhiều khóa đào tạo để giúp các doanh nghiệp có thêm kiến thức về bán hàng, marketing, kỹ năng quản lý công việc. Tôi còn giữ một vai trò khác là mentor, coach cho nhiều bạn trẻ, nhiều chủ doanh nghiệp để giúp họ có thêm định hướng chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình

Nếu bạn yêu mến tôi và muốn tôi đồng hành trong hành trình khởi nghiệp và vận hành doanh nghiệp đầy thách thức của bạn, đừng ngần ngại, hãy gọi cho tôi vì tôi muốn giúp bạn, và triết lý kinh doanh của tôi là “Follow your step”.

Tác giả: Nguyễn Bão Quốc

CEO BQ Training & Consulting Solutions

Phó chủ tịch JCI DaNang 2020

Phó chủ tịch CLB Khởi nghiệp sáng tạo Tp. Tam Kỳ

Có thể bạn quan tâm:

  • 2030 bạn sẽ kinh doanh như thế nào?

    Các nhà kinh doanh, khởi nghiệp đang “bối rối” trước hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ và chưa tìm ra cách tiếp cận phù hợp với thế hệ già tại thị trường Việt Nam. Mặc dù rất nhiều nhà kinh doanh đã làm đi làm lại “customer personal” nhưng vẫn chưa thực sự

  • Chuyên gia Nguyễn Bão Quốc vinh dự nhận giải thưởng nhà giáo dục tạo tác động quan trọng nhất (SBC)

    Xuất sắc vượt qua hàng trăm đề cử trên thế giới, ông Nguyễn Bão Quốc đã trở thành 01 trong 05 người (của thế giới) được vinh danh tại buổi lễ chung kết của cuộc thi SBC 2024 diễn ra tại Trường Đại học kinh doanh Hec Montreal Canada vào ngày 2 tháng 10 năm

  • Tài liệu về chuyển đổi số – Digital Transformation

    Chuyển đổi số là cụm từ không còn quá xa lạ với chúng ta, những năm gần đây thuật ngữ Digital transformation đã trở thành từ khóa tìm kiếm phổ biến Kể từ ngày 22/4/2022, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hằng năm là “Ngày chuyển đổi

Leave a Reply

avatar
  Subscribe  
Notify of