Khởi nghiệp vốn cần rất nhiều thứ: xây dựng mô hình kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, sản xuất sản phẩm, dịch vụ, tuyển dụng nhân sự, hồ sơ pháp lý…, nhưng trước hết bạn phải tìm ra câu trả lời “bạn mong muốn kinh doanh gì?”, cái thứ mà khách hàng sẽ phải trả tiền để được sử dụng nó. Theo tôi “con đường khởi nghiệp” gồm những bước đi sau đây:
Bước đầu tiên là xây dựng ý tượng khởi nghiệp: Mọi thứ chỉ hình thành khi bạn có một ý tưởng rõ ràng về nó, ý tưởng chính là sản phẩm sơ khai đầu tiên để bạn bắt tay vào thực hiện, bạn cần phải học cách tư duy, tìm tòi và sáng tạo để tạo nên các ý tưởng tuyệt vời. Thường thì có 2 hướng để bạn tìm thấy ý tưởng: Ý tưởng đến từ chính bên trong bản thân bạn, bạn giỏi một việc gì đấy và bạn nghĩ nó sẽ giúp bạn kiếm tiền; ý tưởng đến từ bên ngoài xã hội, bạn có óc quan sát tốt, bạn nhìn thấy những vấn đề ngoài xã hội đang cần ai đó giải quyết, bạn bắt tay vào xây dựng ý tưởng dựa trên những vấn đề xã hội đang gặp phải.
Bước thứ hai là đánh giá ý tưởng: Sau khi bạn xây dựng khung sườn sơ bộ cho ý tưởng của mình xong rồi thì bạn cần phải làm một việc nữa trước khi biến ý tưởng thành hiện thực đó là đánh giá ý tưởng. Bạn đem ý tưởng đi chia sẻ cho nhiều người, hãy ghi nhận tất cả những đánh giá của người khác về ý tưởng của bạn (vì họ chính là khách hàng của bạn sau này), hãy lắng nghe khách hàng nói gì và điều chỉnh ý tưởng cho phù hợp với thực tế.
Bước thứ ba là xác định mục tiêu kinh doanh: Trước khi bắt tay vào xây dựng kế hoạch kinh doanh, bạn và cộng sự cần ngồi viết mục tiêu kinh doanh của bạn là gì? Mục tiêu mà bạn và doanh nghiệp của bạn hướng tới trong vòng 2 – 3 năm hoặc dài hạn thì trong 10 năm sau doanh nghiệp của bạn sẽ là ai trên thị trường. Mục đích kinh doanh của doanh nghiệp là gì? Xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đang theo đuổi. Xây dựng một bản đồ lộ trình từng cột mốc cụ thể mà doanh nghiệp cần đạt được, rõ ràng và cụ thể, nếu bạn không có cái này thì sẽ bị lạc lối sau thời gian triển khai.
Bước thứ tư là lập kế hoạch kinh doanh: Một bản kế hoạch kinh doanh tốt nó như tấm bản đồ để giúp bạn định hướng được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bạn biết mình sẽ làm gì theo từng lộ trình cụ thể, phân tích lợi thế cạnh tranh. Từ bản kế hoạch kinh doanh bạn có thể điều chỉnh theo biến động của thực tế thị trường.
Bước thứ năm là xây dựng mô hình kinh doanh: Một công cụ không thể thiếu cho dân khởi nghiệp đó chính là Business model Canvas (BMC). BMC cung cấp một cái nhìn tổng quan về ý tưởng kinh doanh của bạn từ mọi góc độ. Điều đó sẽ giúp bạn tối ưu, kiểm soát và vận hành doanh nghiệp tốt hơn. Từng hệ giá trị (9 thành tố trong BMC) giúp bạn có thể coi đó là một phần của hoạt động doanh nghiệp. Cũng có thể coi đó là một hệ giá trị mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến. Đồng thời BMC giúp những người đồng hành hiểu nhanh chóng và có thể thảo luận về mô hình kinh doanh của bạn.
Bước thứ sáu là đo lường và đánh giá: Trong suốt quá trình thực hiện, hãy luôn nhớ đo lường mức độ hoàn thành công việc, đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu nhằm tối ưu cho bản kế hoạch hoàn chỉnh nhất.
Bước thứ bảy là tìm cộng sự đồng hành: Sau khi hoàn thành ý tưởng, bạn bắt đầu tiến hành tìm kiếm cộng sự đồng hành, thường ở giai đoạn đầu khởi nghiệp khâu này rất khó khăn, bạn phải tìm những người cộng sự cùng chí hướng, cùng mục tiêu chung để san sẽ công việc.
Bước thứ tám là huy động vốn/kêu gọi vốn: Vốn ban đầu của khởi nghiệp bao gồm vốn từ cá nhân của bạn và từ những người cộng sự đồng hành, nhưng thường số vốn này không nhiều và sẽ nhanh sử dụng hết trong quá trình thực hiện. Startup luôn cần có vốn để mở rộng mô hình kinh doanh. Công ty startup thường mang đến những phương pháp giải quyết nhu cầu người tiêu dùng nên tốc độ phủ thị trường phải thật nhanh. Vốn sẽ là yếu tố không thể thiếu để giúp họ đạt được mục tiêu này.
Bước thứ chín là hoàn thiện hồ sơ pháp lý và xây dựng cơ cấu nhân sự: Bạn cần tham khảo Luật Doanh nghiệp năm 2014, hiện nay có các loại hình là công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Tùy vào nguồn vốn và quy mô phát triển mà bạn cần lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn, bạn cần tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan đến loại hình doanh nghiệp. Đối với một startup, yếu tố con người luôn được các nhà đầu tư xem trọng, bởi muốn đưa một ý tưởng thực sự đến thành công bạn phải là một người lãnh đạo giỏi có khả năng quy tụ được nhiều nhân tài về làm việc cùng mình.
Bước thứ 10 là thiết lập ngân sách hoạt động: Để công ty hoạt động và phát triển, bạn cần phải xây dựng ngân sách hoạt động cụ thể, bao gồm các khoản như chi phí marketing, bán hàng, tiền lương nhân viên, chi phí sản xuất, chi phí xây dựng thương hiệu, chi phí PR, chính sách phúc lợi… Điều quan trọng là bạn phải có kế hoạch sử dụng tài chính một cách rõ ràng và hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp để mang đến hiệu quả cao nhất.
Bước cuối cùng là dự trù rủi ro: Ngoài kế hoạch A, bạn cần xây dựng thêm các kế hoạch B, C…Bởi vì “thương trường là chiến trường”, bạn không thể chỉ hy vọng công ty luôn tăng trưởng và phát triển đều, có những lúc thị trường rơi vào khó khăn và bạn cũng phải ở trong dòng chảy đó. Điều quan trọng là bạn phải có những dự trù trong những tình huống đó để vững tay chèo, đưa con thuyền doanh nghiệp tiếp tục tiến lên.
Hy vọng những chia sẻ nói trên sẽ giúp những người đang khởi nghiệp hoặc có ý định khởi nghiệp hình thành cho mình một bức tranh rõ ràng về con đường sẽ phải đi. Chúc bạn thành công!
Leave a Reply